“Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, là “quốc bảo” của dân tộc Việt Nam. Di chúc kết tinh giá trị, tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại yêu chuộng hòa bình, công lý. Một trong những giá trị, tinh hoa ấy là quan điểm của Người về đại đoàn kết.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Lời dạy của Người là hoàn toàn đúng đắn. Trong lịch sử, dân tộc ta liên tục phải đương đầu với những thử thách cam go - chống ngoại xâm và chống thiên tai, làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, với cây lúa nước là cây trồng chủ yếu. Từ đó xuất hiện yêu cầu cố kết cộng đồng, trong mối quan hệ ba tầng nhà - làng - nước một cách chặt chẽ. Truyền thống quý báu ấy đã đi vào ca dao dân ca, trở thành lời ru thiết tha, sâu lắng, truyền qua bao đời: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Chủ trương kết nghĩa giữa cơ quan, đơn vị, DN với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tăng cường đại đoàn kết dân tộc.
- Trong ảnh: Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bình Định tặng quà cho người dân làng kết nghĩa - làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh. Ảnh: M.LÂM
Truyền thống đại đoàn kết quý báu của dân tộc ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định như một quy luật: Khi nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta được độc lập tự do. Trái lại, khi nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một bằng chứng sinh động chứng minh cho nhận định của Người.
Về đoàn kết trong Đảng, Người dạy: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Như vậy, Người đã chỉ rõ, đoàn kết là một truyền thống, là sức mạnh của Đảng ta. Đây cũng là nhân tố quan trọng giúp Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi.
Để giữ gìn, phát triển đoàn kết trong Đảng, theo Bác phải: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Và “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Dưới ánh sáng Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, di huấn về đại đoàn kết nói riêng, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã tiếp tục thực hiện lý tưởng và hoài bão của Người, đạt được những thành tựu rực rỡ. Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, tiếp tục thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, sẽ sớm hoàn thành “Điều mong muốn cuối cùng” của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
LÊ VĂN MINH (Trường Chính trị tỉnh)