BIDIPHAR: Thuốc tốt, giá tốt
Đúng hẹn, đầu năm 2020, Công ty CP Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) hoàn tất nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư, sau 5 năm triển khai. Đây chỉ là một phần của ước vọng sáng tạo không ngơi nghỉ của BIDIPHAR “Thuốc tốt cho người Việt, giá tốt cho người Việt”.
Năm 2014, khi BIDIPHAR “rinh” dự án nghiên cứu cấp Nhà nước tiên phong trong sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam về Bình Định, ít ai biết rằng, đơn vị này đã âm thầm chuẩn bị cho mình bệ phóng sẵn sàng sản xuất thuốc ung thư bằng nhiều nghiên cứu có tính nền tảng.
Dòng sản phẩm thuốc tiêm đông khô trong điều trị ung thư, do BIDIPHAR nghiên cứu sản xuất.
TIÊN PHONG ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Năm 2009, BIDIPHAR nghiên cứu bào chế thành công thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị bệnh ung thư, sản phẩm được Bộ Y tế cấp số và 25 bệnh viện trong cả nước đưa vào danh mục sử dụng. Tiếp nối là dự án sản xuất thử nghiệm hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc tiêm đông khô Carboplastin điều trị ung thư quy mô công nghiệp (2011 - 2014). Và đến thời điểm này, 41 sản phẩm thuốc điều trị ung thư của dự án nghiên cứu cấp Nhà nước từ 2014 - 2019 được Bộ Y tế cấp số đăng ký và sản xuất.
Chỉ tính trong 10 năm qua, những thành công của BIDIPHAR đã được ghi nhận với không ít danh hiệu, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Ðộc lập hạng Ba, Huân chương Ðộc lập hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng. Ðặc biệt, BIDIPHAR làm nên chuyện hiếm có khi lần thứ 2 được đề nghị trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Để chuẩn bị cho hành trình sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư quy mô công nghiệp, năm 2017, BIDIPHAR triển khai xây dựng nhà máy sản xuất BIDIPHAR công nghệ cao chuyên sản xuất dòng sản phẩm này theo tiêu chuẩn GMP-EU/PIC (thực hành sản xuất thuốc tốt theo tiêu chuẩn châu Âu).
Theo Thầy thuốc Nhân dân Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc BIDIPHAR, với xu hướng bệnh ung thư ngày càng gia tăng, thêm vào đó giá thuốc điều trị quá đắt so với thu nhập của người Việt Nam, BIDIPHAR nghiên cứu hoàn thiện quá trình sản xuất, triển khai sản xuất thuốc điều trị ung thư ở quy mô công nghiệp, đáp ứng được phần nào nhu cầu thị trường với chất lượng tốt và giá rẻ hơn giá nhập khẩu.
Cùng với đó, BIDIPHAR cũng hoàn thành sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên phóng thích có kiểm soát Diltiezem”. Dự án sản xuất với mục đích xây dựng quy trình công nghệ sản xuất cho một dạng bào chế hiện đại là viên phóng thích có kiểm soát, nhằm góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp dược trong nước để có thể sản xuất ra các loại thuốc đặc trị các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, thay thế thuốc nhập ngoại. Viên Diltiezem có chất lượng tương đương thuốc cùng loại sản xuất từ Nhật Bản hiện đang được lưu hành tại Việt Nam như thuốc gốc, nhưng ngay ở giai đoạn đầu giá chỉ còn một nửa so với hàng ngoại nhập.
Nguồn: BTV
“Thuốc điều trị ung thư chính là một trong những dòng sản phẩm chủ lực BIDIPHAR tập trung đầu tư sản xuất để tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn 2020 - 2025; cùng với các dòng sản phẩm thuốc đặc trị và đông dược. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt giành giật “từng mi-li-mét thị phần” tân dược, việc tiên phong ứng dụng công nghệ, KHKT giúp BIDIPHAR tạo được một số dòng sản phẩm mang lại lợi thế cạnh tranh gần như tuyệt đối, là cơ sở để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Hương tự hào.
Thành công của BIDIPHAR trong ứng dụng công nghệ sản xuất, đi tiên phong trong đổi mới công nghệ không chỉ là câu chuyện của riêng BIDIPHAR, mà còn là câu chuyện phát triển của cả ngành Dược để càng ngày người Việt càng có nhiều cơ hội sử dụng thuốc tốt do Việt Nam sản xuất.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc BIDIPHAR (bìa phải) và nhóm nghiên cứu thuốc điều trị ung thư kiểm tra sản phẩm thuốc.
LIÊN TỤC TRONG TỐP DẪN ĐẦU
Liên tiếp 4 năm qua, BIDIPHAR nằm trong tốp 10 DN uy tín nhất ngành Dược Việt Nam. Dễ dàng nhận thấy, trong cuộc đua xác lập và khẳng định vị thế trên thị trường đối với mảng tân dược, các DN dược trong nước bắt đầu có hiện tượng tách tốp để ứng dụng các tiêu chuẩn cao hơn như GMP/EU, GMP/PICs.
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng, thị trường dược phẩm trong nước đang thể hiện tính cạnh tranh khốc liệt và ngày càng khó khăn hơn. Chính sách nhà nước, nhất là chính sách đấu thầu thuốc vào cơ sở điều trị vẫn chưa hoàn thiện và thường xuyên thay đổi. Quy định GMP về đăng ký thuốc kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt.
Mặc dù vậy, trong 5 năm tới, BIDIDPHAR tiếp tục phấn đấu nằm trong tốp 5 DN dược uy tín nhất cả nước. Để làm được điều này, BIDIPHAR tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP/EU, nâng cao lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh và đáp ứng được chính sách mới ban hành. DN Lấy KH&CN làm then chốt, tăng mức chi hàng năm lên khoảng 2% - 3% cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Bà Bành Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của BIDIPHAR, cho biết: “Hoạt động nghiên cứu rất quan trọng đối với bất cứ công ty sản xuất dược phẩm nào. Bộ phận này ở BIDIPHAR hiện có gần 60 thành viên, bình quân mỗi năm nghiên cứu 20 sản phẩm mới thay thế sản phẩm cũ. Con số rất áp lực, nhưng nếu không nghiên cứu cho ra đời dòng sản phẩm mới, DN sẽ dần rơi vào bị động và thua sút trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt! Để luôn giữ thế chủ động chúng tôi đã xây dựng được chiến lược cho 5 năm tới và nhiều hơn thế nữa.
Cùng với phát huy nội lực, BIDIPHAR bước vào một cuộc đua mới khi hoàn tất cổ phần hóa. Một loạt động thái được BIDIPHAR thực hiện như đầu tư thành lập mới DN KH&CN chuyên sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; đầu tư mới một số dây chuyền sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP/EU. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp trên cả nước, đảm bảo tính hiện đại và tiên tiến phù hợp chuẩn của ngành Y tế về dược phẩm.
Nếu năm 2013, quy mô cơ cấu vốn của BIDIPHAR là 123 tỷ đồng, thì đến nay đã tăng lên mức 523 tỷ đồng, DN đảm bảo việc làm cho gần 1.000 lao động, với thu nhập bình quân 8 - 8,5 triệu đồng/người/tháng. “Song song với việc tiếp tục thực hiện mục tiêu định hướng chiến lược dài hạn, BIDIPHAR sẽ triển khai cơ cấu lại tổ chức, mô hình kinh doanh. Chúng tôi cũng tích cực tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính tốt, kinh nghiệm quản trị, năng lực về KH&CN ứng dụng trong ngành Dược để nâng cao năng lực cho công ty, để phát triển định vị mình trong tốp 5 DN dược dẫn đầu Việt Nam, thị phần không những trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Chúng tôi quan niệm, đối với DN ở tỉnh lẻ, mục tiêu này không hề đơn giản, nhưng bất cứ khó khăn nào, nếu quyết tâm và biết tranh thủ mọi nguồn lực thì cũng sẽ vượt qua được hết!”, bà Hương nhấn mạnh.
MAI HOÀNG