Di sản Việt Nam thành công và trăn trở
Với 2 di sản mới được công nhận năm 2016 gồm “Mộc bản trường học Phúc Giang - Mộc bản Trường Lưu” và “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt”, hiện tại Việt Nam có 25 di sản đã được UNESCO công nhận.
Vừa qua, đại diện của UNESCO cũng cho biết sẽ sớm đưa “Hát xoan” của Việt Nam từ danh sách “Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là sự khẳng định cao nhất về hiệu quả của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt Nam.
Bên cạnh những tín hiệu vui trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo lắng về sự biến tướng của di sản có yếu tố tâm linh tín ngưỡng, đặc biệt là sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thừa nhận: “Bản thân tôi cũng hết sức lo ngại trước sự biến tướng “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ” sau khi được vinh danh di sản. Nhiều người sẽ lạm dụng điều này để mở phủ, lên đồng và coi việc được UNESCO vinh danh di sản để “bảo hiểm” cho việc này”.
Trong một hội thảo mới đây về vấn đề di sản, TS. Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, bày tỏ: “Hiện nhiều cung văn trẻ rất mạnh dạn bổ sung các nhạc cụ “ngoài dòng” như: sáo bầu của người H’Mông, đàn phím điện tử, đàn bầu điện tử; cũng như các điệu dân ca của nhiều vùng và thậm chí một số sáng tác mới cũng đã được các nghệ sĩ cung văn áp dụng trong các buổi hầu đồng. Những sáng tạo, đổi mới này cần phải thận trọng và phải qua quá trình theo dõi để tránh làm sai lạc, biến tướng di sản”.
(Theo VOV)