• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo quê hương
  • Báo in
EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Văn hóa - Nghệ thuật

Từ việc thờ phụng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu: Một góc nhìn vào tâm hồn người Bình Định

Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn Gia Miêu tiến hành nhiều biện pháp trả thù khủng khiếp đối với họ Nguyễn Tây Sơn và những người ủng hộ họ. Dù vậy, với tinh thần thượng võ, bao dung, người Bình Định vẫn tiếp tục dành cho hai trung thần của triều Nguyễn Gia Miêu: Võ Tánh và Ngô Tùng Châu lòng tôn kính, ngưỡng mộ… Nhìn từ đây có thể thấy được một góc tâm hồn đẹp đẽ của người Bình Định.

Lăng mộ Võ Tánh trong thành Hoàng Đế. Ảnh: VĂN LƯU

Một biểu hiện đẹp của người Bình Định

Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế “đổi tên thành ấy gọi là thành Bình Định, để Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu trấn thủ” (theo Đại Nam liệt truyện). Năm 1800, quân Tây Sơn vây hãm thành, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử, Võ Tánh tự thiêu ở lầu Bát Giác. Cũng theo Đại Nam liệt truyện, năm 1801, sau khi chiếm được thành, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đã tổ chức lễ mai táng hai tướng đối địch rất trọng hậu. 

Sau khi nhà Nguyễn Gia Miêu giành được quyền cai trị đất nước, vua Gia Long truy phong Võ Tánh là Hoài Quốc Công, Ngô Tùng Châu là Ninh hòa Quận Công. Để tri ân hai trung thần, lăng mộ Võ Tánh và đền thờ hai ông được dựng ngay nơi tuẫn tiết để phụng sự, lấy tên là Bát Giác Lâu Từ, mộ Ngô Tùng Châu được xây ở quê hương ông thuộc xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Về chuyện Thiếu phó Trần Quang Diệu - tướng nhà Tây Sơn, ứng xử với người đối địch trực tiếp một mất một còn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sách Đại Nam thực lục chép: “Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, trông thấy, chảy nước mắt, lấy lễ mà chôn cất. Tướng sĩ trong thành, không giết hại ai cả”. Chắc chắn vì thế mà từ trước khi họ Nguyễn Gia Miêu giành được quyền cai trị, người dân Bình Định cũng hương khói, tưởng niệm hai ông như những người tiết liệt. Nếu không hiện diện trong tâm hồn người dân, chắc chắn lăng mộ, đền thờ hai nhân vật này không còn đến nay. Theo Giáo sư Lê Văn Lan, cách ứng xử của Trần Quang Diệu “là cách hay để bày tỏ sự cảm thông, khâm phục đối với một gương trung nghĩa, tiết liệt”. Nếu mở rộng ý kiến của Giáo sư Lê Văn Lan có thể thấy được một góc tâm hồn rất đẹp của người Bình Định.

“Chết mà có ích cho nước nhà, có lợi cho phong hóa tức là chẳng chết”

Năm Bảo Đại thứ 13 (1938), sau khi trùng tu khu lăng mộ Võ Tánh, Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân (người ở huyện Tuy Phước) viết một bài ký để ghi lại thịnh sự hiếm có này. Bài ký có đoạn: “...Ôi! Ai người chẳng chết? Chết mà có ích cho nước nhà, có lợi cho phong hóa tức là chẳng chết … Nay việc trùng tu đã xong, rửa tay đốt hương kính cẩn viết những nét đại cương, ngụ ý bày tỏ lòng kính ngưỡng bậc có công đức vĩ đại như núi cao đường lớn…”.

Năm 1947, đền Chiêu Trung bị tháo dỡ cùng lúc với thành Bình Định bởi kế hoạch “Tiêu thổ kháng chiến”. Buổi lễ cuối cùng được tổ chức tại đền Chiêu Trung thật cảm động. Khi chính quyền kháng chiến thông báo cho cụ Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân biết chủ trương tiêu thổ, cụ liền triệu tập thân hào nhân sĩ trong tỉnh về Song Trung miếu để dự lễ cáo miếu. Tại chánh điện, sau ba hồi chuông trống, cụ Biểu Xuyên dâng hương lên bàn thờ Song Trung, xin phép Song Trung được phá miếu để đánh giặc Pháp xâm lược. Cáo xong, cụ đi trước bưng bát hương đang cháy, Tú tài Trần Trọng Giải bưng thần vị Võ Công, Tú tài Thái Lập Kính bưng thần vị Ngô công, cả ba người đều khăn áo chỉnh tề, vẻ mặt nghiêm trang mà nước mắt ràn rụa, họ bước chậm từ cửa miếu theo dải hành lang hẹp ra lầu Bát Giác. Tại đây, sau bia kỷ công, người ta đã thiết một bàn thờ, hai ông Tú bưng hai thần vị vào đặt chính giữa án, cụ Biểu Xuyên đặt bát hương lên bàn thờ rồi làm lễ an thần vị. Hai ông Tú vào lạy tạ rồi lui ra. Đến lượt hai ông Huỳnh Yến và Phạm Phú Tiết, nguyên là hai quan đầu tỉnh Bình Định vừa mới bàn giao ấn tín cho chính quyền cách mạng, vào làm lễ. Sau đó, đến lượt thân hào nhân sĩ. Họ vừa lạy, vừa khóc.

Tất cả thân hào nhân sĩ lễ xong thì ra về, không ai ở lại “hầu tàn” mặc dù cỗ cúng có “tam sanh”, và nhất là không ai có đủ can đảm nhìn cảnh thanh niên cầm búa, xà beng phá dỡ đền. Vẫn biết, vì đại nghĩa cần phải hy sinh, nhưng chạm tới lòng tôn kính danh nhân, phá hủy nơi mà họ vừa chung công góp của trùng tu mới được 9 năm, họ không buồn sao được!

Đền Chiêu Trung bị tháo dỡ, nhưng Bát Giác lầu, mộ Hậu Quân, cổng Tam quan, thành đá ong bao bọc vẫn còn, nhân dân Bình Định vẫn thường xuyên hương khói và tế lễ. Năm 1968, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa các hạng mục hiện còn. Năm 2004, Bảo tàng Bình Định tu bổ cổng Tam quan, phục hồi liễn chữ Hán ở các trụ biểu. Năm 2012, Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định trùng tu các hạng mục của Lăng mộ Võ Tánh và thành đá ong bao quanh lăng.

***

Lòng kính ngưỡng và tri ân đối với Song Trung của người Bình Định xưa nay còn được thể hiện khá đậm nét ở các thể loại đối liễn, văn vần, văn xuôi, Hán có, Nôm có và Quốc ngữ có. Từ hành xử đại nghĩa của một bậc trượng phu Trần Quang Diệu đến tấm lòng hoài niệm của người dân Bình định xưa và nay đối với trung thần Võ Tánh, Ngô Tùng Châu là bài học luôn luôn mới đối với mọi thế hệ. Xin mượn câu ca dao của người Bình Định xưa thương cảm bậc trung thần để kết bài viết này - “Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên/Cảm thương ông Hậu thủ thiềng ba năm”!

NGUYỄN THANH QUANG 

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
Cẩm Ly tận tình hướng dẫn Thiện Nhân song ca cùng Đan Trường  (1/11/2014)  
Giao lưu văn nghệ “Bình Định - Champasak: Nghĩa tình sắt son”  (31/10/2014)  
UNESCO đánh giá cao nỗ lực quản lý bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long  (31/10/2014)  
Nhiều ý kiến đáng ghi nhận  (30/10/2014)  
Nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh Bình Định được hỗ trợ sáng tác  (30/10/2014)  
Đàn tế tại Hoàng thành độc đáo tới mức nào?  (30/10/2014)  
Dự án cáp treo Sơn Đoòng: Phải tính yếu tố bảo vệ di sản  (30/10/2014)  
Điểm sáng thôn văn hóa Chương Hòa  (29/10/2014)  
Đổi mới cách làm để sát thực tế hơn  (29/10/2014)  
Hội thảo xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới  (29/10/2014)  
Đại hội Đảng
VIỆT NAM - ASEAN
I- Tower Quy Nhơn
Kế hoạch khám sàng lọc và truyền thông nhân ngày thị giác thế giới tại Bình Định năm 2020
Liên hệ quảng cáo
CÔNG TY BẢO VIỆT NHÂN THỌ  BẮC BÌNH ĐỊNH
bidiphar
Tuyển dụng công chức, viên chức
Đầu tư vào Bình Định
Công báo
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 96/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 25.2.2016
Tổng biên tập: TRẦN THANH HẢI
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn
Điện thoại: 0256.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:http://baobinhdinh.vn