Lỗ hổng trong công tác đào tạo bóng đá trẻ
Vì nhiều lý do, thời gian qua, công tác tuyển chọn, đào tạo cầu thủ bóng đá tại Bình Ðịnh chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, các đội tuyến trên thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt lực lượng từ tuyến bên dưới.
Thoạt nhìn một cách tổng thể, việc tuyển chọn, đào tạo bóng đá của ngành Thể thao có hệ thống khá bài bản. Ở cơ sở có vệ tinh đặt tại các huyện, thị xã có phong trào bóng đá phát triển, qua đó giới thiệu những gương mặt có tiềm năng cho tuyến năng khiếu. Trường Năng khiếu Thể thao tỉnh có các tuyến U11, U13, U15; sau đó chuyển giao cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tiếp tục đào tạo các lứa U17, U19, U21. Hệ thống lớp lang là vậy nhưng công tác đào tạo lại lộ ra nhiều điều bất ổn.
Hàng năm nên có vài đợt tuyển chọn, hoặc tổ chức các giải bóng đá trẻ, qua đó phát hiện tài năng, bổ sung vào các đội trẻ của tỉnh.
- Trong ảnh: Giải bóng đá U11 xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) được tổ chức hàng năm.
Điều đầu tiên cần nói đến là công tác tuyển chọn. Đây là khâu cực kỳ quan trọng trong suốt quá trình đào tạo. Bởi nếu tuyển chọn, đánh giá đúng tiềm năng của VĐV, việc đào tạo sẽ đạt hiệu quả cao, ngược lại, các em có thể sẽ “đứt gánh giữa đường”, gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho những đợt tuyển chọn tiếp theo. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, mỗi đội bóng trẻ chỉ được tuyển đúng quân số được duyệt ban đầu, nhưng sau quá trình đào tạo có những cầu thủ không có khả năng phát triển phải trả về, khiến lực lượng thiếu hụt, rất khó tìm nguồn bổ sung. Bởi những cầu thủ tuyển mới khó theo kịp đồng đội nếu chưa được tập luyện từ trước.
Bên cạnh đó, dù có nhiều vệ tinh, nhưng với mức hỗ trợ có phần khiêm tốn, các HLV chủ yếu tìm nguồn cầu thủ ở những khu vực lân cận, rất dễ bỏ sót những “viên ngọc thô”. HLV bóng đá Trường Năng khiếu Thể thao tỉnh Đào Duy Khoa phân tích: “Theo tôi, hàng năm chúng ta nên tổ chức một vài đợt tuyển chọn, hoặc các giải bóng đá trẻ để có càng nhiều em nhỏ tham gia càng tốt, qua đó phát hiện tài năng, bổ sung vào các đội trẻ”.
Tiếp đến là sự thiếu nhất quán trong việc định hình lối chơi đặc trưng cho các đội bóng đá Bình Định. Do vậy, ở mỗi tuyến, các em được đào tạo, huấn luyện theo một cách khác nhau, theo “triết lý bóng đá” riêng của HLV. Trong khi đó, trình độ HLV không đồng đều, nếu không muốn nói là cực kỳ đa dạng về phong cách. Có người được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn, nhưng cũng có những HLV chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân để lên giáo án. Sự khập khiễng đó khiến “sản phẩm” được đào tạo ra có phần hạn chế về khả năng thích nghi ở những tập thể có sự khác biệt.
Có một sân tập là niềm mơ ước của các HLV và cầu thủ trẻ Bình Định.
- Trong ảnh: Các cầu thủ U15 Bình Định ngồi ngoài đường piste sân vận động Quy Nhơn xem các đàn anh tập luyện.
Khó khăn thứ ba cần phải nhắc đến là vấn đề thiếu sân tập như chúng tôi đã đề cập cách đây chưa lâu. Cách đây khoảng chục năm, các đội trẻ Bình Định còn được tập luyện tại sân bóng đá thuộc Đại đội Trinh sát (đường Phạm Ngọc Thạch, TP Quy Nhơn). Tuy chưa đạt tiêu chuẩn, kích thước như yêu cầu, nhưng sân bóng đó cũng giải quyết được phần nào nhu cầu tập luyện của các tuyến trẻ. Nhưng rồi hợp đồng với đơn vị chủ quản cũng không được kéo dài, khu đất trên được chuyển sang mục đích khác, tất cả các đội trẻ đều phải dồn về sân vận động Quy Nhơn. Trong khi đó, đội Bình Định luôn là ưu tiên số 1 trong việc sử dụng sân; các tuyến trẻ phải chia nhau những khung giờ còn lại, hạn chế rất nhiều trong việc triển khai tập luyện chiến thuật hoặc đấu tập kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Hùng, HLV đội bóng đá U15 Bình Định, cho biết: “Ngay cả khi trong giai đoạn tập huấn, đội chúng tôi chủ yếu vẫn phải tập ở đường piste và… trên các khán đài thì thử hỏi làm sao có thể thi đấu tốt. Bóng đá chứ đâu phải điền kinh mà tập kiểu đó. Những cầu thủ thường xuyên tập luyện bài bản vào sân thi đấu còn bị trạng thái, tâm lý huống gì những em phải tập “chay” hàng tháng trời. Vấn đề này ai cũng thấy nhưng chả thấy cấp ngành nào quan tâm giải quyết”.
Tại một số CLB bóng đá chuyên nghiệp, ngoài sân thi đấu chính thức còn có sân tập cho đội lớn, sân tập cho đội trẻ. Như vậy mới đảm bảo chất lượng mặt sân cũng như công tác đào tạo trẻ. Đến nay, đề án thành lập Khu liên hợp TDTT tỉnh đặt tại phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) vẫn chỉ nằm trên giấy. Do đó, các đội tuyển bóng đá trẻ của chúng ta có lẽ còn rất lâu mới có sân tập dành cho riêng mình.
LÊ CƯỜNG